Cây hoàng bá và hoàng đằng

Cây hoàng bá

cây hoàng bá

Có 2 loại là cây hoàng nghiệt hay quan hoàng bá và cây xuyên hoàng bá.

Thuộc họ cam – Rutaceae.

Đặc điểm thực vật:

Hoàng bá thuộc cây thân gỗ cao, to, cành phát triển; vỏ cây có màu nâu nhạt hay xám. Lớp bần dày, mềm, rách lung tung, vỏ bên trong có màu vàng tươi. Lá mọc đối, lá kép lông chim, mép lá có răng cưa nhỏ hay gợn sóng; mặt trên lá màu lục xám, mặt dưới lá xanh nhạt.

Hoa màu vàng lục hay vàng nhạt, đơn tính khác gốc.

Quả mọng hình cầu, khi chín có màu tím đen, có mùi thơm.

Đối với cây xuyên hoàng bá cây nhỏ và thấp hơn; vỏ cây màu xám, mỏng, không có bần dày. Mặt dưới lá có lông mềm, dài và rộng.

Phân bố:

Cây có nhiều ở Trung Quốc, Nga. Nước ta đã di thực thành công cây này.

Cây thích hợp với khí hậu mát, chịu rét, thích hợp với vùng núi cao, đất màu.

Trồng bằng hạt, sau đó đem ươm thành cây giống, 1 năm sau mới đem trồng.

Bộ phận dùng:

Vỏ thân.

Chế biến:

Lấy vỏ của cây đã trên 10 năm, thu hoạch vào mùa hè; cạo sạch lớp bần, cắt thành từng miếng phơi khô.

Thành phần hoá học:

Berberin, magnoflorin, jatrorrhizin, palmatin, candixin,…

Công dụng:

Hoành bá có tác dụng chữa lỵ, tiêu chảy, đau mắt, trĩ, di tinh, khí hư, ra mồ hôi trộm,…

Đắp chữa mụn nhọt, rửa vết thương.

Cây hoàng đằng

Cây hoàng đằng hay còn gọi là cây nam hoàng liên hay thích hoàng liên.

Bộ phận dùng:

cây hoàng đằng

Thân và rễ.

Đặc điểm dược liệu: các đoạn dược liệu hình trụ thẳng hoặc cong queo, mặt ngoài có màu vàng xám, có vân dọc, có các sẹo của cuống lá hay rễ con. Thể chất cứng, dai, khó bẻ gãy; mặt cắt ngang có màu vàng tươi gồm 3 phần là vỏ mỏng, gỗ có nhiều tia toả thành hình nan quạt và tuỷ hẹp.

Thành phần hoá học:

Các alcaloid trong đó thành phần chính là palmatin; còn có jatrorrhizin, columbamin, magnoflorin, palmatrubin.

Tác dụng dược lý:

Palmatin clorid ức chế tụ cầu và liên cầu, tác dụng của palmatin kém hơn các kháng simh khác.

Công dụng:

Hoàng đằng là nguyên liệu để chiết xuất palmatin.

Thuốc có tác dụng chữa đau mắt, tiêu chảy, lỵ, các bệnh về gan, viêm ruột, thuốc bổ đắng.

Dạng dùng: thuốc sắc.